Chị N. ở TP HCM chia sẻ với Zing.vn về hậu quả của việc làm móng hay lấy khóe chân khiến chị bị nhiễm trùng, phải làm tiểu phẫu cắt một phần móng.
https://eva.vn/tin-tuc/son-mong-tay-lam-dep-nguoi-phu-nu-co-nguy-co-bong-toan-bo-mong-tay-c73a311722.html ( nguồn)
Chị N. có thói quen làm móng chân, móng tay. Chị cho biết, cũng có lần vì nhân viên cắt sâu nên chảy máu, song vết thương rất nhanh trở lại bình thường. Lần này do quên bộ dụng cụ làm móng ở nhà nên chị đồng ý sử dụng bộ kìm của cửa hàng. Dù nhân viên đã lau chùi sạch sẽ trước khi làm, song vết xước ở phần ngón chân cái bị sưng, chảy mủ liên tục. Đi khám, chị được bác sĩ chuẩn đoán bị viêm vành móng do nhiễm trùng, phải cắt bỏ một phần móng để dẫn lưu mủ ra.
Sau khi được chích 3-4 mũi thuốc tê, chị N. được thực hiện tiểu phẫu nậy và cắt móng. Hết thuốc, chị không ngờ chỉ một vết xước nhỏ lại rất đau đớn khiến chị không ngủ được. Các bác sĩ cho biết, phần móng mới sau khi lành sẽ không đẹp như khuôn cũ. “Trải nghiệm” đau thương này khiến chị N. quả quyết không bao giờ đi sửa móng tay, móng chân ngoài tiệm nữa.
Liên quan tới những mối hiểm họa phái đẹp có thể gặp phải khi đi sửa, vẽ móng, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu – Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương.
Ông cho biết, sửa móng là xu hướng làm đẹp xuất hiện ở phương Tây từ lâu và ngày càng phổ biến với phụ nữ Việt. Để đảm bảo an toàn, chị em có nhu cầu nên tìm tới những cơ sở có chứng chỉ hành nghề và cần đảm bảo nguyên tắc về vệ sinh. Nhiều phụ nữ đến khám chữa tại Bệnh viện Da liễu trung ương có nguyên nhân lây nhiễm từ việc làm móng.
Thực tế, các cửa hàng làm móng không có đầy đủ dụng cụ chuyên nghiệp, dùng chung cho nhiều khách hàng, không hấp sấy đúng nguyên tắc… gây ra nhiều hệ lụy.
PGS Sáu cho biết, nhiễm trùng cấp tính hay gặp ở người làm móng do vi khuẩn tụ cầu, gây viêm, áp xe quanh móng. Viêm móng do virus herpes cũng xảy ra khi chị em đi làm đẹp tại các địa chỉ không an toàn. Đây là loại virus rất dễ lây từ người này sang người khác, trong khi thợ làm móng ít khi từ chối khách hàng, kể cả người đang bị nhiễm trùng móng.
Khi bị viêm, người bệnh có biểu hiện sưng vùng móng, đau nhức các ngón tay, mất các nếp gấp của da trên móng. Trong đó, áp xe do tụ cầu với biểu hiện da quanh móng sưng, tấy đỏ, có mủ trắng, người bệnh bị sốt phải nhanh chóng được chẩn đoán. Trường hợp này cần can thiệp ngoại khoa, rạch mủ và uống kháng sinh, thậm chí cắt bỏ một phần móng.
Trường hợp bị nhiễm virus herpes khó chẩn đoán hơn song cũng cần phải vệ sinh tại chỗ, uống kháng sinh chống virus. Đặc biệt, chị em còn có thể viêm quanh móng do candida thể cấp (sưng tấy, có mủ) hoặc mãn tính (chỉ hơi sưng, thâm tím, có thể gây biến dạng móng).
PGS Nguyễn Hữu Sáu cảnh báo, trong quá trình làm móng như cắt da và lấy khóe, người thợ cắt quá ngắn sẽ gây móng chọc thịt. Đây là hiện tượng cạnh bên bản móng chọc vào tổ chức phần mền ở cuốn móng bên, làm tổn thương tổ chức này gây nên đỏ, sưng và đau.
“Mặc dù chưa có nghiên cứu chỉ ra việc làm móng có thể lây nhiễm viêm gan C, B, thậm chí cả HIV song về nguy cơ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, làm móng liên tục gây viêm, sang chấn vùng móng sẽ khiến móng tay không còn độ hồng, bóng như bình thường. Nặng hơn, viêm quanh móng mãn tính có thể làm teo hoặc mất móng”, PGS Sáu thông tin thêm.
Chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất để chị em tự bảo vệ sức khỏe là chủ động sử dụng một bộ dụng cụ làm móng riêng. “Dùng kìm chung cũng giống như dùng chung kim tiêm, chuyện rủi ro bị lây bệnh chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy, các chị em nên tự bảo vệ sức khỏe trong quá trình làm đẹp”, ông nói.